Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Lectio: Chúa Nhật IV Phục Sinh


Chúa Nhật, 15 Tháng 5, 2011
Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành
Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào!
Ga 10:1-10

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường E-mau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để chúng con cũng giống như hai môn đệ từ E-mau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc:

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đem đến cho chúng ta hình ảnh quen thuộc của vị Mục Tử Nhân Lành.  Khi nói về các con chiên của đàn chiên của Thiên Chúa, Đức Giêsu dùng một số hình ảnh để mô tả thái độ của những người chăm nom đàn chiên.  Bản văn của phần phụng vụ được trích từ câu 1 đến câu 10.  Trong phần bình luận của chúng ta, chúng tôi thêm vào các câu 11 đến 18 bởi vì những câu này có chứa đựng hình ảnh của “Vị Mục Tử Nhân Lành” và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các câu 1 đến câu 10.  Trong khi đọc, hãy cố gắng chú ý đến các hình ảnh khác nhau hoặc những ẩn dụ mà Đức Giêsu sử dụng để cho chúng ta biết cách nhận ra một vị mục tử chân thật.
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Bài Tin Mừng gồm có ba ẩn dụ liên quan nhau:
Ga 10:1-5:  Ẩn dụ kẻ trộm cướp và người chăn chiên
Ga 10:6-10:  Ẩn dụ cửa chuồng chiên
Ga 10:11-18:  Ẩn dụ vị mục tử tốt lành
c)  Phúc Âm:
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng:  “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp.  2 Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên.  3 Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy.  4 Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra.  Khi đã lùa chiên ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy.  5 Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ.”
6 Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì.  7 Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm:  “Thật, Ta bảo thật các ngươi:  Ta là cửa chuồng chiên.  8 Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp.  Và chiên đã không nghe tiếng chúng.  9 Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân.  10 Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá hủy.  Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào.”
11 “Ta là mục tử tốt lành:  Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên.  12 Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn.  Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác.  13 Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên.  14 Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.  15 Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên.  16 Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn.  Chúng sẽ nghe tiếng Ta.  Và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên.  17 Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại.  18 Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống.  Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại.  Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta.”
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy niệm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng động chạm đến bạn nhất?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu dùng hình ảnh gì để ứng dụng cho chính Người?  Chúa đã làm điều ấy như thế nào và ý nghĩa của chúng là gì?
c)  Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã dùng chữ mạng sống bao nhiêu lần và Người đã nói gì về mạng sống?
d)  Mục Tử-Việc Chăn Dắt.  Các hoạt động mục vụ của chúng ta có phát xuất từ sứ vụ của Vị Mục Tử Giêsu không?
e)  Làm thế nào chúng ta có thể có được một cái nhìn rõ ràng về Chúa Giêsu thật sự của các sách Tin Mừng?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh mà trong đó Tin Mừng của Gioan đã được viết:

Đây là một thí dụ khác về cách Tin Mừng của Gioan đã được viết và trình bày.  Lời của Chúa Giêsu về vị Mục Tử (Ga 10:1-10) giống như một viên gạch được lát trong một bức tường đã xây xong.  Ngay trước đoạn Tin Mừng này, trong Ga 9:40-41, Chúa Giêsu đã nói về sự mù lòa của các người Biệt Phái.  Ngay sau đoạn Tin Mừng này, trong Ga 10:19-21, chúng ta gặp sự kết luận của cuộc thảo luận về sự mù lòa.  Do đó, những chữ liên quan đến Vị Mục Tử Tốt Lành cho thấy phương cách để loại bỏ sự mù lòa như thế.  Viên gạch này làm cho bức tường mạnh mẽ hơn và đẹp đẽ hơn.
Ga 10:1-5:  Ẩn dụ kẻ trộm cướp và người chăn chiên
Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng của Người với ẩn dụ cái cửa:  “Ta bảo thật các ngươi, Ta là cửa chuồng chiên.  Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp.  Và chiên đã không nghe tiếng chúng.  Ta là cửa.  Ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi!”  Để hiểu được ẩn dụ này, chúng ta cần phải nhớ những gì xảy ra sau đó.  Trong những ngày ấy, những người mục tử chăm sóc đàn chiên ban ngày.  Đêm đến, họ đem các con chiên vào trong một cái chuồng lớn hay khu vây chung, bảo vệ cẩn mật khỏi kẻ trộm và chó sói.  Tất cả những người chăn chiên trong vùng đem đàn chiên của họ đến đó.  Có người canh gác tất cả đàn chiên qua đêm.  Vào buổi sáng, người chăn chiên đến và gõ cửa và người canh gác sẽ mở cổng.  Khi đó người chăn chiên sẽ gọi đích danh từng con chiên của mình.  Đàn chiên nhận ra tiếng người chăn chiên của chúng và chúng sẽ đứng dậy và theo người chăn chiên ra đồng.  Các con chiên của những người chăn chiên khác sẽ nghe tiếng, nhưng chúng sẽ ở tại chỗ, bởi vì chúng không quen tiếng kẻ ấy.  Thỉnh thoảng có những nguy cơ bị tấn công.  Các kẻ trộm cướp đi vào chuồng chiên qua lỗ hổng bằng cách lăn đi các tảng đá từ các bức tường bây quanh và ăn trộm chiên.  Các kẻ trộm không qua cửa mà vào, vì có người canh gác đang trông chừng ở đó.
Ga 10:6-10:  Ẩn dụ cửa chuồng chiên
Những người đang lắng nghe, những người Biệt Phái, (Ga 9:40-41), đã không thể hiểu được “đi vào bằng cổng” nghĩa là gì.  Chúa Giêsu giải thích:  “Ta là cửa chuồng chiên!  Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp.”  Những lời gay gắt này Chúa Giêsu muốn dùng để nói đến những người nào?  Nghiệm vào cách Chúa Giêsu nói về những kẻ trộm cướp, có lẽ Người đang muốn nói về những người lãnh đạo tôn giáo đã lôi kéo dân chúng đi theo họ, nhưng không thực hiện đầy đủ những mong đợi của người dân.  Họ đã không quan tâm đến phúc lợi của dân chúng, mà họ chỉ chú ý đến bổng lộc và lợi ích cho riêng họ.  Họ lừa dối người dân và bỏ mặc họ cho số phận.  Tiêu chuẩn căn bản để phân biệt rõ ràng giữa người mục tử và kẻ trộm cướp là sự bảo vệ mạng sống của các con chiên.  Chúa Giêsu phán:  “Ta đến để cho chúng được sống, và được sống dồi dào!”  Đi vào bằng cửa, có nghĩa là noi theo gương Chúa Giêsu bảo vệ mạng sống của các con chiên của Người.  Chúa Giêsu đòi hỏi người ta phải chủ động bằng cách không đi theo những kẻ giả vờ là mục tử và những kẻ không quan tâm đến đời sống của họ.
Ga 10:11-15:  Ẩn dụ vị Mục Tử Tốt Lành
Chúa Giêsu đổi ẩn dụ.  Đầu tiên, Người ví mình là cửa chuồng chiên, bây giờ Người là kẻ chăn chiên.  Mọi người đều biết kẻ chăn chiên ra sao, anh ta sống và làm việc như thế nào.  Nhưng Đức Giêsu không chỉ là kẻ chăn chiên; Người là vị chăn chiên tốt lành!  Hình ảnh người chăn chiên tốt lành phát xuất từ Cựu Ước.  Khi Chúa Giêsu nói rằng Người là vị Mục Tử Tốt Lành, Chúa đang giới thiệu mình là Đấng đến để làm viên mãn những lời hứa của các tiên tri và các niềm hy vọng của dân chúng.  Chúa nhấn mạnh về hai điểm:  (a)  Trong việc bảo vệ mạng sống các con chiên của mình, người mục tử tốt lành thí mạng sống mình.  (b)  Trong sự hiểu biết lẫn nhau giữa người mục tử và các con chiên, người Mục Tử biết các con chiên và các chiên biết người mục tử của chúng.
Người mục tử giả hình muốn vượt thắng được sự mù lòa của mình, phải đương đầu với ý kiến riêng của mình và ý kiến của dân chúng.  Đây là điều mà những người Biệt Phái đã không làm.  Họ khinh dể các con chiên và gọi các chiên là những quân bị nguyền rủa và lũ ngu xuẩn (Ga 7:49; 9:34).  Mặt khác, Chúa Giêsu nói rằng dân chúng có một nhận thức không thể sai lầm về việc biết ai là người mục tử tốt lành, bởi vì họ nhận ra giọng nói của người ấy (Ga 10:4)  “Các chiên Ta biết Ta” (Ga 10:14).  Những người Biệt Phái nghĩ họ có thể phân biệt được những việc của Thiên Chúa một cách chắc chắn.  Thật ra, họ đã bị mù.
Bài giảng về vị Mục Tử Tốt Lành bao gồm hai nguyên tắc quan trong để loại bỏ bệnh mù giả hình từ mắt chúng ta là:  (a) Các mục tử rất lo lắng chu đáo đến phản ứng của các con chiên để chúng có thể nhận ra được giọng nói của người mục tử.  (b) Các con chiên phải rất chú ý đến thái độ của những kẻ tự xưng là mục tử để xác nhận xem họ có thực sự quan tâm đến đời sống của các con chiên và họ có khả năng thí mạng sống của họ cho các chiên của họ không.  Còn những người chăn chiên hôm nay thì sao?
Ga 10:16-18:  Mục đích của Chúa Giêsu: một đàn chiên và một chủ chiên
Chúa Giêsu mở ra một chân trời và nói rằng có những con chiên khác không thuộc đàn này.  Chúng sẽ không nghe thấy tiếng Chúa Giêsu, nhưng khi chúng nghe thấy, chúng sẽ nhận ra rằng Người là vị Mục Tử và sẽ đi theo Người.  Ở đây chúng ta thấy thái độ đại kết của cộng đoàn “Người Môn Đệ Chúa Yêu”.
b)  Lời chú giải:

i)  Hình ảnh người Mục Tử trong Kinh Thánh:
Tại Palestine, phần lớn người ta dựa vào việc chăn nuôi chiên cừu và dê để mưu sinh.  Hình ảnh người mục tử dắt đàn chiên đến đồng cỏ là hình ảnh thông thường cho tất cả mọi người, cũng giống như ngày hôm nay tất cả chúng ta đều biết hình ảnh người tài xế xe bus hoặc xe lửa.  Người ta thường dùng hình ảnh người mục tử để minh họa nhiệm vụ của một người cai trị và hướng dẫn dân chúng.  Các ngôn sứ đã chỉ trích các vị vua vì họ là những kẻ chăn chiên đã không chăm sóc đàn chiên và đã không dẫn các chiên đến đồng cỏ (Gr 2:8; 10:21; 23:1-2).  Lời chỉ trích về các kẻ chăn chiên gian ác như vậy đã làm tăng thêm việc hạch tội, qua các tội lỗi của các vua chúa, người dân thấy mình bị biến thành nô lệ (Ed 34:1-10; Dcr 11:4-17).
Trước kinh nghiệm thất vọng vì thiếu sự lãnh đạo một phần của những kẻ chăn chiên gian ác, có một ước muốn hay hy vọng nhen nhúm rằng đến một ngày nào đó sẽ có một người mục tử thật tốt lành chân thành và giống như Thiên Chúa trong cách hướng dẫn dân của Người.  Vì thế, Thánh Vịnh đã có câu:  “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi sẽ không thiếu thốn chi! (Tv 23:1-6; St 48:15).  Các ngôn sứ hy vọng rằng, trong tương lai nào đó, chính Thiên Chúa sẽ là vị mục tử dẫn dắt đàn chiên của Người (Is 40:11; Ed 34:11-16).  Họ cũng hy vọng rằng tại thời điểm ấy, người ta sẽ có thể nhận ra tiếng người chăn chiên của họ:  “Ước chi hôm nay anh em nghe tiếng Người!” (Tv 95:7).  Họ hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đến như một Thẩm Phán để xét xử các con chiên trong đàn (Ed 34:17).  Họ ước mong và hy vọng rằng có một ngày Thiên Chúa sẽ ngợi khen những mục tử tốt lành và Đấng Cứu Thế sẽ là vị mục tử tốt lành cho dân của Chúa (Gr 3:15; 23:4).
Chúa Giêsu làm cho niềm hy vọng này trở thành hiện thực và Người tỏ ra là một Mục Tử Tốt Lành, khác hẳn với những kẻ trộm cướp đã bóc lột người dân.  Chúa giới thiệu mình như một vị Quan Tòa, vào ngày tận thế, sẽ phán xét như một mục tử tách biệt chiên với dê (Mt 25:31-46).  Trong Chúa Giêsu, lời tiên tri của ngôn sứ Dacaria được viên mãn; ông nói rằng người mục tử tốt lành sẽ bị bức hại bởi những kẻ chăn chiên gian ác là những kẻ làm tan tác đàn chiên vì những lời tố cáo của Người:  “Ta sẽ đánh mục tử để đàn chiên bị tan tác!”  (Dcr 13:7).  Cuối cùng, Đức Giêsu tất cả mọi sự:  Người là cửa chuồng chiên, mục tử và là chiên!
ii)  Cộng đoàn của Người Môn Đệ Chúa Yêu:  cởi mở, khoan dung và khắp toàn thế giới:
Các cộng đoàn nằm phía sau Tin Mừng của Gioan đã được tạo nên bởi những nhóm khác nhau.  Trong số đó có các người Do Thái cởi mở với một quan niệm nghiêm khắc về Đền Thờ Giêrusalem (Ga 2:13-22) và lề luật (Ga 7:49-50).  Có những người Samaria (Ga 4:1-42) và dân ngoại (Ga 12:20) đã cải đạo, cả hai nhóm đều có nguồn gốc lịch sử và phong tục văn hóa hoàn toàn khác với người Do Thái.  Mặc dù họ đã được lập thành từ các nhóm khác nhau như thế, các cộng đoàn của Gioan sẽ thấy việc đi theo Chúa Giêsu như là một tình yêu được sống cụ thể trong tình đoàn kết.  Qua việc tôn trọng sự khác biệt của nhau, ho sẽ nhận thức được các vấn nạn phát sinh từ việc sống chung giữa người Do Thái và dân ngoại, những vấn nạn tạo khó khăn cho các cộng đoàn khác thời bấy giờ (Cv 15:5).  Bị thách thức bởi những thực tế trong thời đại của họ, các cộng đoàn đã tìm cách tăng cường đức tin của họ vào Chúa Giêsu, được sai đến bởi Chúa Cha, là Đấng muốn tất cả mọi người phải là anh chị em (Ga 15:12-14, 17) và đã nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở!”  (Ga 14:2).  Điều này đã tạo cơ hội cho cuộc đối thoại sâu xa với các nhóm khác.  Rồi thì có các cộng đoàn cởi mở, khoan dung và đại kết (Ga 10:16).     

Lectio: Chúa Nhật III Phục Sinh


Lối sống của chúng tôi mang đặc trưng liên lỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong sự hoàn toàn gắn bó với Đức Kitô, ngõ hầu tìm ra cách diễn tả đời sống huynh đệ và nhiệt tâm làm việc tông đồ.
Câu 1:  Với động từ “hiện đến”, thánh Gioan ngay lập tức thu hút sự chú ý của chúng ta đến một sự việc lớn sắp diễn ra.  Quyền năng của sự Phục Sinh của Chúa Giêsu vẫn chưa ổn định được hết các xáo trộn trong đời sống của các môn đệ và do đó cũng là của Giáo Hội.  Đây chỉ là vấn đề của công việc chuẩn bị chấp nhận ánh sáng, ơn cứu rỗi trao ban bởi Đức Kitô.  Giống như khi Người hiện đến như đã ghi đoạn Tin Mừng này, Người cũng sẽ tiếp tục hiện đến trong cuộc sống của những kẻ tin vào Người, cũng như trong đời sống của chúng ta.

Câu 2-3:  Phêrô và sáu môn đệ khác đi ra từ nơi ẩn trú trong phòng kín để ra biển đánh cá, nhưng sau một đêm làm việc cực nhọc, các ông chẳng bắt được con cá nào.  Đây là cảnh tối tăm, cô đơn, khả năng hữu hạn trong các cố gắng của loài người.

Câu 4-8:  Cuối cùng bình minh cũng đến, ánh sáng trở lại và Chúa Giêsu xuất hiện đứng trên bờ biển.  Nhưng các môn đệ chưa nhận ra Người; các ông cần phải tham dự vào một hành trình đi sâu thẳm vào nội tâm.  Sự khởi xướng bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng mà qua lời Người, giúp các ông nhận ra được nhu cầu và tình cảnh của họ:  các ông không có gì để ăn.  Khi ấy, Người bảo các ông hãy thả lưới lần nữa.  Việc vâng Lời Người đã tạo ra phép mầu và các ông đã bắt được đầy cá.  Gioan, người môn đệ Chúa yêu, đã nhận ra được Chúa và nói lớn đức tin của mình với các môn đệ khác.  Phêrô đã tin và lập tức nhảy xuống biển để bơi thật nhanh về Chúa và Thầy.  Trong khi đó, các môn đệ khác kéo thuyền và lưới cá theo sau.

Câu 9-14:  Quang cảnh trên đất liền bây giờ đã thay đổi, nơi Chúa Giêsu đang đứng chờ các môn đệ.  Ở đây một bữa ăn đã xảy ra:  Bánh của Chúa Giêsu hợp cùng với cá lưới được của các môn đệ, sự sống và quà tặng của Người trở nên một với sự sống và quà tặng của các môn đệ.  Đó là quyền năng của Lời Chúa tạo nên xương thịt và sự hiện hữu.

Câu 15-18:  Bây giờ Chúa Giêsu tâm tình trực tiếp với Phêrô; đó là giờ khắc của tình yêu rất mãnh liệt mà tự tôi không thể nào tách rời được, bởi vì những Lời ấy của Chúa cũng đã được viết và lập lại với tôi ngày hôm nay.  Đó là lời tuyên bố chung về tình yêu đã được lập lại ba lần, có khả năng vượt thắng được tất cả những lúc bất trung và yếu đuối.  Kể từ bây giờ, một đời sống mới bắt đầu cho Phêrô và cả cho tôi, nếu tôi muốn.

Câu 19:  Câu cuối của bài Phúc Âm quả là khá bất thường bởi vì nó là một lời dẫn giải của tác giả Phúc Âm được tiếp ngay theo sau bởi lời phán bảo rất mạnh mẽ và dứt khoát của Chúa Giêsu cùng Phêrô:  “Hãy theo Thầy!”  Câu nói mà không có một câu trả lời nào khác hơn là sự thực hiện lời ấy
  
Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Lời Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu một cách cặn kẽ hơn về thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần khí Chúa soi sáng chúng con trong các công việc chúng con làm và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Xin cho chúng con, giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúng con cầu xin Chúa vì Chúa là đấng hằng sống, hằng trị với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Lectio: Chúa Nhật II Phục Sinh

Lời chứng của Tông Đồ Tôma
Ga 20:19-31 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha, trong Chúa nhật hôm nay con cái Cha đang tề tựu để ca tụng Đấng duy nhất, hằng sống đã chiến thắng sự chết, ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng đã chế ngự được sự dữ, làm trầm tĩnh các sự lo lắng và do dự của chúng con, để chúng con có thể mạnh dạn đáp trả với sự vâng lời và lòng yêu mến, trong sự ngự trị vinh quang của Đức Kitô.
2.  Bài Đọc  
a)  Ý chính của bài đọc: 

Chúng ta đang đọc ở trong sách được gọi là “sách của sự sống lại”, trong đó chúng ta được cho biết, không hẳn theo một thứ tự hợp lý, một số sự việc liên quan đến việc Đức Kitô Phục Sinh và các sự thật chứng minh điều đó.  Theo quyển Phúc Âm thứ tư, những sự việc đã được xảy ra vào buổi sáng (20:1-18) và buổi tối ngày đầu tiên sau ngày thứ bảy, và tám ngày sau đó, tại cùng một địa điểm và cùng ngày trong tuần.  Chúng ta đang đứng trước một biến cố quan trong nhất trong lịch sử loài người, một biến cố thách đố từng cá nhân chúng ta.  Thánh Phaolô tông đồ đã nói:  “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì việc rao truyền của chúng ta trở thành vô ích và đức tin của chúng ta cũng nên vô dụng … và chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi” (1Cr 15:14, 17), Phaolô đã không biết Đức Giêsu trước khi Người phục sinh, nhưng là người sau này đã đi rao giảng một cách thiết tha trọn cả quãng đời của ông.  Chúa Giêsu được sai đi bởi Chúa Cha.  Và Người cũng sai chúng ta đi. Sự sốt sắng của chúng ta để “đi” xuất phát từ chiều sâu đức tin của chúng ta vào Đấng Đã Sống Lại.  Chúng ta đã sẵn sàng để nhận lãnh “sự ủy thác” của Người và dâng hiến cuộc đời chúng ta cho nước Trời của Người chưa?  Đoạn Tin Mừng này không chỉ nói về đức tin của những kẻ chưa thấy (lời chứng của Tôma), nhưng nó còn nói về sứ vụ được ủy thác cho Giáo Hội bởi Đức Kitô.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Ga 20:19-20:  Chúa hiện ra với các môn đệ và cho các ông xem những vết thương
Ga 20:21-23:  Ân sủng Chúa Thánh Thần ban cho sứ vụ
Ga 20:24-26:  Chúa hiện ra đặc biệt với ông Tôma tám ngày sau đó
Ga 20:27-29:  Cuộc đối thoại của Chúa với Tôma
Ga 20:30-31:  Mục đích của bài Phúc Âm theo thánh Gioan

c)  Phúc Âm:

19  Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói:  “Bình an cho các con”.  20  Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người.  Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.  21  Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng:  “Bình an cho các con.  Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.  22  Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông:  “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha.  Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
24  Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng:  “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.  Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng:  “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông.  Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán:  “Bình an cho các con”.  27 Đoạn Người nói với Tôma:  “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.  28  Tôma thưa rằng:  “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”  29  Chúa Giêsu nói với ông:  “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.  Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
30  Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này;  31 nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để cho Lời Chúa được thấm vào tâm hồn chúng ta

4.  Suy Niệm

a)  Một vài câu hỏi gợi ý giúp cho giờ suy niệm chúng ta:

Người nào hoặc điều gì trong bài Tin Mừng đã tạo sự chú ý và thích thú cho tôi?  Có thể nào một người tự nhận là Kitô hữu mà lại chưa tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu được chăng?  Việc tin vào sự phục sinh thật là quan trọng đến mức như thế ư?  Điều gì sẽ bị thay đổi nếu chúng ta không còn rao giảng Lời Chúa và không tiếp tục làm chứng nhân của cuộc sống?  Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho sứ vụ có ý nghĩa gì đối với tôi?  Sứ vụ của Đức Giêsu trên thế giới được tiếp tục như thế nào sau khi Chúa Phục Sinh?  Nội dung của bản công bố sứ vụ truyền giáo là gì?  Việc làm chứng của ông Tôma mang một giá trị gì đối với tôi?  Tôi có sự nghi ngờ nào về tín lý không?  Nếu có, đó là những điều gì?  Tôi sẽ giải quyết và vượt qua những nghi ngại ấy bằng cách nào? Tôi có khả năng biện minh cho đức tin của tôi không?

Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa, Chúa của con và Thiên Chúa của con, Chúa đã yêu thương con và đã cất tiếng gọi con, Người đã cất nhắc con trở nên môn đệ Chúa.  Chúa đã ban cho con Thần Khí Chúa, Đấng được sai đến, để con ra đi công bố và làm chứng cho sự phục sinh của Chúa, về lòng từ ái của Chúa Cha, để cho mọi người trên thế giới được nhận lãnh ơn cứu độ.  Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống, Chúa là ánh bình minh không bao giờ xế tà, là vầng thái dương của công lý và hòa bình.  Xin Chúa hãy ban cho con được cư ngụ trong tình yêu của Chúa, xin ràng buộc con vào Chúa như cành nho gắn liền với cây nho.  Xin Chúa hãy ban cho con sự bình an của Chúa để con có thể khắc phục được những yếu đuối của con, đối diện với những nghi ngại của con và mạnh dạn bước theo ơn gọi của Chúa và để con sống trọn vẹn với nhiệm vụ Chúa đã giao phó cho con và ca tụng Chúa muôn đời.  Chúa là đấng hằng sống, hằng trị muôn đời.  Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu




Vậy anh em tôi là ai? Là người cha, người me, người anh, chị, em. Là những người mà tôi va chạm và tiếp xúc mọi ngày trong cuộc sống. Là những người mà tôi thích, tôi ưa cũng như những người tôi không ưa, không thích. Tất cả họ cần được tôi rửa chân bằng những nụ cười tha thứ, bằng thái độ chấp nhận, bằng của chỉ hòa nhã, bằng những đối xử công bằng, tôn trọng, và yêu kính như tôi yêu mến, và tôn kính chính Thiên Chúa.

Chúa đã rửa chân chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng phải rửa chân cho anh chị em mình, nếu như chúng ta muốn tham dự phần với Chúa trong Phục Sinh vinh quang.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Suy niệm Tin Mừng Ga 18,1-19,42


    
ĐỔ GIỌT MÁU CÙNG NƯỚC CUỐI CÙNG
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Phụng vụ luôn dành trình thuật thương khó của Gio-an cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vì bài này có một số chi tiết khác với ba Phúc âm Nhất lãm. Tuy nhiên sự khác biệt lớn hơn hết có lẽ chính là giọng văn và tình cảm của một nhân chứng đã tận mắt chứng kiến biến cố trọng đại này. Gio-an đã công khai tuyên bố: Người đã xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin”.

Tất cả các chi tiết Gio-an mô tả trong bài thương khó của ông đều rất cụ thể và sống động; chẳng hạn như chi tiết Tôi khát!”. Được chính mình kinh nghiệm giờ hấp hối, tôi thấy điều này thật cụ thể: cơn khát của một người sắp chết thật khủng khiếp. Nói gì thì nói, trong cơn khát cháy họng, hầu như cả mạng sống của của một người lệ thuộc vào vài giọt nước… Cụ thể và xác thực biết bao!

Nhưng trong số các chi tiết ông ghi nhận về cuộc thương khó, Gio-an đặc biệt quan tâm tới: một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”. Gio-an khẳng định chính mắt mình đã chứng kiến cảnh tượng này, vì đó là biến cố hầu như đã thay đổi cuộc sống của ông. Đó cũng là cốt lõi của sứ điệp mà ông đã dành trọn phần còn lại của đời sống mình để loan truyền: Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa. (1Ga 1,1.3) Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. (1Ga 4,14)

Để trả lời vấn nạn sự cứu độ đó là như thế nào? Gio-an khẳng định: thưa, đó là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn, yêu tới giọt máu cuối cùng, yêu bằng cả mạng sống mình. Và đối tượng của tình yêu đó là ai? Là một người đáng yêu, người tốt lành, cao thượng chăng? Thưa, không! Gioan tiếp tục: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. (1Ga 4,8-10) Nếu Gio-an đã từng được mệnh danh là Tông đồ tình yêu, thì chính là vì ông đã tận mắt chứng kiến cảnh tình yêu đó được biểu lộ cách huy hoàng và triệt để nhất trên thập giá, trong việc đổ tới giọt máu cùng nước cuối cùng.

Phao-lô đã không có dịp được chiêm ngắm thập giá trực tiếp như Gioan, nhưng tất cả những gì Phao-lô biết được về đức Ki-tô Giê-su, lại chính là đức Giê-su Thập Giá, mà ngài khảng định là tôi không biết một đức Ki-tô nào khác”. Nhìn lên thập giá, Phao-lô đã nhận ra: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8) Riêng với bản thân, Phao-lô đã cảm nghiệm cách thâm sâu: “tôi đặt niềm tin vào đức Giê-su Ki-tô, Đấng yêu thương tôi và phó nộp mình cho tôi, ngay cả khi tôi phản nghịch cùng Ngài”.

Nếu thế thì tôi, trong tư cách một linh mục, tôi nhận thấy gì nơi Thập giá? Hơn cả Gio-an chiêm ngắm, hàng ngày tôi cử hành Thánh lễ. Mỗi khi uống cạn chén Máu Thánh, tôi có thực sự chạm vào máu và nước từ cạnh sườn đức Giê-su chảy ra, để nhận ra tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho tôi? Đối với tôi thập giá mang ý nghĩa sống còn, hay chỉ là một biểu tượng chung chung? Tôi có còn mơ ước một đức Ki-tô nào khác, một Giê-su làm phép lạ, một Giê-su ban ân huệ này khác,  hay một Giê-su thông thái giảng dạy, hơn là một Giê-su chịu đóng đinh? Tôi sẽ chưa phải là linh mục của đức Ki-tô, nếu tôi chưa chịu đóng đinh, chịu hiến mình… tới giọt máu cuối cùng. Được gọi là Linh Mục của đức Ki-tô và hàng ngày cử hành Thánh Lễ, thực tế tôi đang là gì?

Lạy Đấng chịu đóng đinh và phó nộp cả mạng sống mình cho con, xin làm cho con được, như Gio-an, tựa đầu vào con tim đầy yêu thương, để rồi nhận ra con tim đó đã cạn kiệt tới giọt máu cuối cùng vì yêu thương con. Con cảm tạ Chúa vì hồng ân linh mục con đã được trao ban, trước hết là vì lợi ích của chính con: được diễm phúc cử hành hiến tế Thập Giá mỗi ngày. Xin cho con có được con mắt vả quả tin của Gio-an. Xin soi sáng và củng cố con để có được niềm xác tín và nhận thức của Phao-lô. Nhờ thế Thập giá, phải, chính thập giá, sẽ trở thành gia sản và vinh quang lớn nhất của đời con. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



TRÁI TIM HOÀN HẢO

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

·        Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.
·        Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè . . . Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu của họ  để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại cho lại cho họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái của tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chời đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình vào trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết: vì tình yêu từ trái tim của cụ đã chảy trong tim anh .. .

Có một trái tim đã bị đâm thâu đến nỗi không còn khả năng giữ lại một giọt máu để nuôi dưỡng sự sống cho mình. Trái tim đó đã tan nát bởi tình yêu với nhân loại. Nhưng, chính từ trái tim đó, một mạch nước đã tuôn trào khắp nhân gian. Mùa xuân của yêu thương đã nở rộ khắp gian trần. Một mùa xuân cứu rỗi đã trổ sinh hoa tin yêu – hy vọng cho những tâm hồn thiện chí đang đan dệt hạnh phúc trong chính cuộc đời hiến dâng và phục vụ anh em.

Vâng, Chúa Giê-su Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự giá. Tình yêu của Ngài cao đẹp bởi sự dâng hiến đến quên cả tình mạng vì người mình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu thí mạng sống mình vì người mình yêu”. Cuộc đời Ngài dành cho con người, tận hiến và hy sinh cho hạnh phúc con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tình yêu trên trái đất.

Thứ sáu tuần thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Chiêm ngắm một trái tim đã tuôn trào đến giọt máu cuối cùng để rửa sạch tội lỗi nhân gian. Chiêm ngắm một trái tim đã chịu tan nát để đưa muôn người trở về giao hoà cùng Thiên Chúa. Đây là trái tim đẹp bởi sự cho đi, cho đi tình yêu phục vụ, tình yêu hiến dâng đến hơi thở cuối cùng cho người mình yêu.

Nguyện xin Chúa là tình yêu, giúp chúng ta biết sống tình yêu đó cho tha nhân. Xin cho chúng ta biết hoạ lại chân dung tình yêu đó giữa thế giới khô cằn tình người và dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Xin cho chúng ta biết thông phần đau khổ với Chúa để sinh ơn cứu độ cho trần gian. Amen

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH


Lạy Chúa Giê-su khiêm hạ vì yêu thương, xin cho con biết để cho mình được Chúa rửa chân mỗi khi cử hành Thánh Lễ, để con cũng được ‘chung phần với’ tình yêu đến cùng của Thập Giá. Xin cho con, trước khi dám ‘cùng chết với Chúa’, biết khiêm tốn chấp nhận để Chúa chết và tự hủy cho con. Amen

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

SUY NIEM LOI CHUA: PHEP RUA CUA THAY GIESU

Mt. 3,13-17 : “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”.
Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người.
Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước”

Lời cầu nguyện:
  • Thánh Thể chính là “Mầu Nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa Hiện Diện”.
  • Chúa mãi mãi vẫn là Đấng tín thành và yêu thương chúng con.
  • Xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Thánh Thể Chúa để kín múc nguồn tình yêu bao la và sức sống vô biên của Chúa
  • Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là dịp để mỗi người chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta được làm con cái Chúa qua bí tích rửa tội. Có thể nói, chính Chúa Kytô đã đi vào dòng sông Giođan để thánh hiến dòng sông,   thánh hiến nguồn suối mát hầu đem đến cho chúng ta sự sống trường sinh. Sông Giođan thật có phúc vì được Thiên Chúa ghé thăm, chúc lành và thánh hoá. Ước gì mỗi Kytô hữu cũng sẽ trở nên những dòng sông Giođan để đem ơn Chúa, đem nguồn suối hoan lạc của tình yêu Thiên Chúa thấm đẫm thế giới này.
  • chính khi chúng ta vừa đặt chân xuống dòng nước để tìm lên ngọn nguồn, thì Đức Giêsu, dòng nước cứu độ ấy đã ôm chầm lấy chân chúng ta. Ôi, kỳ diệu thay, tình yêu thương và lòng thương xót từ ái của Thiên Chúa.
    Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta được diện kiến thánh nhan Ngài, Ngài sẽ đến với chúng ta; với lòng sạch tội, chúng ta đón nhận Ngài, và lòng bên lòng, Ngài lại sẽ thì thầm… thỏ thẻ với linh hồn, “Đừng sợ, bạn ơi, tôi đang đứng bên cạnh bạn! Bạn là con yêu dấu của Chúa Cha!”.

5 phutloi Chua moi ngay

click vao de mo link
http://betrenthuongcap.net/modules.php?name=Files&go=view_file&lid=419

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Ai nấy được no nê ( Thứ ba sau Lễ Hiển Linh)


Phép toán đúng hay sai...?

5 cái bánh và 2 con cá =5000...!

 Suy nim:
Trên thế giới hiện nay có gần một tỷ người đói ăn,
Và nhiều nơi ở châu Phi vẫn có bao trẻ thơ chết đói.
Có người coi tôn giáo là duy tâm, sống lơ lửng với những ý tưởng đẹp,
và loay hoay với chuyện cứu rỗi linh hồn.
Nhưng Thiên Chúa ta gặp trong Kinh Thánh
lại là một Thiên Chúa để ý đến cái đói của thân xác con người.
Thiên Chúa ấy đã cung ứng manna, thịt chim cút và nước uống
cho dân Người trong cuộc hành trình tiến về Đất hứa,
mà Đất hứa này là vùng phì nhiêu, nơi chảy sữa và mật.
Thiên Chúa ấy được coi là người mục tử
dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối nước trong lành.
Đức Giêsu cũng chẳng làm khác với Cha của Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài tỏ mình ra như người mục tử.
Khi thấy đoàn dân bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt,
Ngài qui tụ họ lại bằng cách dạy dỗ họ nhiều điều.
Nhưng khi chiều xuống, Ngài cũng biết họ cần ăn.
Lo cho chiên được no là nhiệm vụ của người mục tử.
Đức Giêsu đã muốn các môn đệ cộng tác trong việc nuôi ăn này:
“Chính anh em hãy cho họ ăn !”
Với tất cả những gì môn đệ có, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá,
năm ngàn người đã được ăn no và còn dư mười hai thúng đầy.
Chiều hôm đó, cỏ như xanh hơn vì lòng người vui rộn rã.
Qua phép lạ lớn này, Đức Giêsu tỏ mình ra cho đám đông dân chúng.
Đây là phép lạ của sự bẻ ra và được nhân lên.
Chẳng phải Thầy Giêsu mới là người bẻ ra và trao đi cho các môn đệ.
Chính các môn đệ cũng đã làm như thế cho đoàn dân.
Bẻ ra và trao đi là điều kiện để giải quyết nạn đói của thế giới hôm nay.
Chỉ có thể xóa nạn đói nghèo bằng sẻ chia và liên đới.
Đừng sợ nếu bạn chỉ có ít cá và bánh, ít thời giờ, tiền bạc, khả năng.
Hãy trao vào tay Chúa tất cả những gì bạn có và để Người định liệu.

"Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh 
Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời,
nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.
Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược
mà không có Thầy ở bên

cũng là một kinh nghiệm đáng quý.



Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta sợ hãi nhiều thứ và chưa có bình an, vì chúng ta chưa sở hữu và chưa tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu của Thiên Chúa.
- Để có được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải tin tưởng hòan tòan nơi Đức Kitô và giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương.
- Sợ hãi là khuynh hướng tự nhiên của con người; nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sợ hãi trong cuộc đời, để có thể sống bình an và đạt được ý nghĩa của cuộc sống.

TÌNH CHÚA - TÌNH NGƯỜI

Xem hình

Là người công giáo, chúng ta thường ước mong xây dựng cho đời mình điều gì đó có giá trị bền vững, điều gì đó còn có thể tồn tại khi mà chính chúng ta đã đi qua thế giới này, điều gì đó có thể trở thành lời trả lẽ của chúng ta trước mặt Chúa. Chúa đặt chúng ta vào giữa cuộc đời, cho chúng ta chứng kiến bao cảnh đời khác nhau. Đó là cơ hội để cho tình người trong chúng ta được sống động, để ánh mắt chúng ta học quan sát và thương cảm, để đôi tay chúng ta học chia sẻ và trao ban, để con tim chúng ta học rung động và yêu mến. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng những điều chúng ta xây dựng trên nền tảng của tình người sẽ còn mãi. Thân xác con người sẽ qua đi, nhưng tình nghĩa con người sẽ đọng lại...
TÌNH CHÚA - TÌNH NGƯỜI
 
                                                                                                                 
 
 
Với dụ ngôn “ông nhà giàu và anh La-za-rô nghèo khó”, thánh sử Luca đặt trước mắt chúng ta một khung cảnh rất thực tế, hay gặp trong đời sống thường ngày, đó là khoảng cách giữa giàu và nghèo trong xã hội con người. Điều kỳ lạ là luôn có những người thừa mứa dư dật sống trên phủ phê của cải, mà ngay bên cạnh đó, luôn có những người nghèo khó túng quẫn. Những thừa mứa của người này lắm khi là điều không thể với tới đối với người kia.
 
Đức Giêsu đẩy dụ ngôn đi đến khúc kết như một sự lật ngược những trật tự của trần gian. Kẻ đói nghèo được vào trong Nước Thiên Chúa, còn người giàu có thì chìm xuống dưới địa ngục đọa đày. Dụ ngôn cho chúng ta một bài học đắt giá về việc làm người.
 
Cuộc sống hàng ngày bày ra trước mắt chúng ta bao là cơ hội để học làm người, để sống như một con người. Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng. Ngài cho mỗi người một cuộc đời. Dù nghèo hay giàu, dù sang hay hèn, điều quan trọng là mỗi người đều có một cuộc đời để làm người. Điều đáng nói là chúng ta sống cuộc đời mình như thế nào, chúng ta có thực sự trân trọng và sống trọn vẹn cuộc đời của mình trong tình nghĩa của một con người chăng?…
 
Là người công giáo, chúng ta thường ước mong xây dựng cho đời mình điều gì đó có giá trị bền vững, điều gì đó còn có thể tồn tại khi mà chính chúng ta đã đi qua thế giới này, điều gì đó có thể trở thành lời trả lẽ của chúng ta trước mặt Chúa. Chúa đặt chúng ta vào giữa cuộc đời, cho chúng ta chứng kiến bao cảnh đời khác nhau. Đó là cơ hội để cho tình người trong chúng ta được sống động, để ánh mắt chúng ta học quan sát và thương cảm, để đôi tay chúng ta học chia sẻ và trao ban, để con tim chúng ta học rung động và yêu mến. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng những điều chúng ta xây dựng trên nền tảng của tình người sẽ còn mãi. Thân xác con người sẽ qua đi, nhưng tình nghĩa con người sẽ đọng lại.
 
Ai không biết cách sử dụng hiệu quả những ân huệ trước mắt mà Thiên Chúa ban cho mình, thì những dấu lạ cả thể, những sự lớn lao lạ lùng, những ý tưởng hay đẹp cao siêu.. cũng sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho người ấy. Nếu chúng ta không chủ động nối lại những khoảng cách và hàn gắn những rạn vỡ do con người tạo ra, sớm hay muộn, chính chúng ta sẽ phải rơi vào những lỗ hỗng ấy. Nếu chúng ta đã chưa từng một lần đưa tay ra với những người cần sự giúp đỡ của chúng ta, quả thật chúng ta đang dìm chết tình người trong tim mình. Nếu chúng ta mãi quen với lối sống thờ ơ ích kỷ, quả thật chúng ta đang để mất điều gì đó thật sự quý giá. Có những điều khi đã bị đánh mất và qua đi thì không bao giờ có thể cứu vãn được. Khi thời gian sống và thời hạn làm người đã hết, chúng ta chẳng còn có thể thay đổi được gì trong định mệnh cuộc đời mình… Chúng ta cùng cầu nguyện. Xin cho mỗi người chúng ta biết sống và làm triển nở những giá trị cao đẹp của tình người, tình Chúa.
 

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Thứ 5 Bát nhật Giáng Sinh


Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người,
qua tha nhân và kinh nghiệm,
qua lao động và thách đố trong cuộc sống.

Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta,
nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người.
Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ,
về tha thứ và yêu thương.




Lời Chúa: Lc 2, 36-40 
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Suy nim: 
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ,
vì trong xã hội Ítraen thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông.
Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ.
Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria,
thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ.
Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi,
thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ.
Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam!
Khuôn mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau.
Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh.
Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ.
Riêng cuộc đời của cụ bà Anna thì thật đáng phục.
Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư.
Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi,
thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm.
Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng.
Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn.
Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37).
Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình.
Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ.
Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ.
Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu,
sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38).
Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không?
Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ
đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo.
Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh.
Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến.
Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài.
Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người.
Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét.
Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành.
Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày một chút về mọi mặt.
Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan,
và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40).
Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình
để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi.
Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người,
qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống.
Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta,
nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người.
Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương.
Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyn: 
Lạy Chúa,xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Khóc thương con mình (28.12.2010 - Lễ Các Thánh Anh hài)

Khóc thương con mình (28.12.2010 - Lễ Các Thánh Anh hài)

Print

Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu?
Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng?
Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình.
Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ.
Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai.
Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.


Lời Chúa: Mt 2, 13-18
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

Suy niệm:
Trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một thời gian rất vui,
chúng ta cũng nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài.
Không rõ đã có bao nhiêu trẻ thơ bị giết bởi vua Hêrôđê Cả.
Vị vua này điên cuồng bảo vệ ngôi báu nên đã giết nhiều người,
trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông.
Đối với ông, việc sát hại trẻ thơ ở Belem chỉ là chuyện nhỏ.
Trước khi giết các bé trai ở Belem, vua đã muốn giết Hài Nhi Giêsu.
Nhưng Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài.
Giuse vẫn là người đứng mũi chịu sào trong cơn nguy khó.
Sứ thần báo mộng cho ông, để ông đưa Hài Nhi và Mẹ trốn qua Ai Cập.
Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường.
Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả.
Ngay từ khi chào đời, Đức Giêsu đã bị đe dọa, phải sống xa quê nhà.
Đấng đem đến ơn cứu độ lại cần được cứu.
Đau khổ và thập giá đã có mặt ngay từ khi Vầng Dương ló rạng.
Biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, vua Hêrôđê nổi cơn thịnh nộ,
vì thấy mình bị mắc lừa bởi các nhà Đạo sĩ.
Ông bực tức ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi ở Belem.
Tiếng khóc của trẻ thơ và của các bà mẹ vang lên như oán than.
Có ai còn nghe tiếng hát cao vút của các thiên thần? 
Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt,
cái chết của những nạn nhân bé bỏng, vô tội, chưa có ý thức và tự do.
Cái chết của những người chưa biết nói, chưa có lòng tin vào Giêsu.
Nhưng đây là cái chết vì Đức Giêsu, nên thực sự là cái chết tử đạo.
Có bao nhiêu cái chết như thế trên thế giới mỗi ngày.
Cái chết không tự nguyện, không tiếng nói phản kháng.
Cái chết làm bằng chứng về một giá trị quan trọng bị chối bỏ.
Cái chết ấy có thể đưa người ta về với Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết.
Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ,
chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật.
Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân.
Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất.
Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài,
và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ.
Xúc phạm đến trẻ thơ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn tại Ai Cập.
Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu?
Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng?
Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình.
Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ.
Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai.
Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.